Từ giữa thế kỉ 19, một số
nhà phát minh đã tập trung vào việc ghi lại các hình ảnh chuyển động. Năm 1888,
Étienne-Jules Marey, một người Pháp đã đưa ra phương pháp chụp ảnh với tốc độ
nhanh (nhiều khung hình một giây), đặt cơ sở cho sự ra đời của kỹ thuật điện ảnh.
Tại Hoa Kỳ, nhà sáng chế nổi tiếng Thomas Edison cũng bắt đầu lãnh đạo việc thiết
kế Kinetoscope, một thiết bị cho phép người xem quan sát các hình ảnh chuyển động
liên tiếp. Năm 1895, Anh em Lumière đã đánh dấu bước ngoặt của quá trình này
khi cho ra đời Cinématographe, thiết bị cho phép quay và trình chiếu các đoạn
phim ghi lại hình ảnh chuyển động.
Phim câm xuất
hiện
Ngày 28 tháng 12 năm 1895
tại Paris, trong tầng hầm của Phòng Ấn Độ (Salon Indien) của quán cà phê Grand
Café, Anh em Lumière đã tổ chức buổi trình chiếu rộng rãi có thu tiền những đoạn
phim ghi lại bằng thiết bị cinématographe. Buổi chiếu bao gồm 10 cuộn phim rất
ngắn (mỗi cuộn dài 17 mét) trong đó có những đoạn phim nổi tiếng như la Sortie
de l'usine Lumière à Lyon (Buổi tan ca của nhà máy Lumière ở Lyon) và
l'Arroseur arrosé (Tưới cây). Buổi trình chiếu này cho đến nay được coi như thời
điểm đánh dấu sự ra đời của nền điện ảnh nói chung và phim câm nói riêng.
Trong chừng một thập niên
tiếp theo, phát minh của nhà Lumière trở nên nổi tiếng và được đem đi trình chiếu
hoặc bắt chước ở khắp thế giới. Hàng nghìn đoạn phim ngắn quay lại những cảnh
sinh hoạt đời thường được thực hiện để phục vụ cho các buổi trình chiếu trong
các hội chợ hoặc các tiệm cà phê. Nhà điện ảnh tiên phong Georges Méliès cũng bắt
đầu thử nghiệm việc áp dụng các kỹ thuật dàn dựng của sân khấu cho các đoạn
phim để tạo nên các bộ phim điện ảnh thực sự, bộ phim Le Voyage dans la Lune
(1902) của Méliès với những kỹ thuật dựng phim đột phá này đã thành công vang dội
và mở đường cho việc áp dụng Kỹ xảo điện ảnh.
Kỷ nguyên vàng
của phim câm
Sau một giai đoạn khủng
hoảng vì chiến tranh giai đoạn 1914 - 1918, các bộ phim câm bắt đầu được sản xuất
hàng loạt, đồng thời với nó là sự vươn lên của nhiều nền điện ảnh mới. Liên Xô
nổi lên như một nền điện ảnh giàu sức sáng tạo với đại diện tiêu biểu là đạo diễn
huyền thoại Sergei Eisenstein, tác giả của Chiến hạm Potyomkin (Броненосец
Потёмкин, 1925), một trong những bộ phim câm xuất sắc nhất.
Tại Hoa Kỳ, Hollywood bắt
đầu trở thành kinh đô của điện ảnh Mỹ và thế giới, khu công nghiệp điện ảnh này
không chỉ thu hút các tài năng điện ảnh của nước Mỹ mà còn là điểm đến của các
nghệ sĩ điện ảnh nổi tiếng của châu Âu như Stroheim và Sternberg của Áo, Lubitsch
của Đức hay Mauritz Stiller của Thụy Điển. Tuy vậy trụ cột của các hãng phim Mỹ
lúc này vẫn là những ngôi sao bản địa như các đạo diễn D.W. Griffith, Cecil B.
DeMille, King Vidor hay các diễn viên nổi tiếng Charlie Chaplin, Buster Keaton
và Harold Lloyd.
Phim câm biến mất
Hãng Warner Bros. của
Hollywood là công ty đi đầu trong việc nghiên cứu áp dụng kỹ thuật thu tiếng đồng
bộ. Năm 1926 công ty này cho ra đời bộ phim Don Juan khi lần đầu tiên phần nhạc
được ghép trực tiếp vào cuộn phim. Và đến năm 1927, chính Warner Bros. đã ra mắt
công chúng The Jazz Singer, bộ phim có tiếng đầu tiên trong lịch sử điện ảnh.
Với sự xuất hiện của việc
thu tiếng đồng bộ, các bộ phim câm dần dần biến mất khỏi các rạp chiếu bóng
ngay giai đoạn đầu thập niên 1930 (trừ một số nền công nghiệp điện ảnh như Nhật
Bản). Phim câm ngừng sản xuất cũng đồng nghĩa với sự lụi tàn của một loạt ngôi
sao phim câm vốn không thể bắt kịp với xu hướng điện ảnh mới, chỉ có một số người
tiếp tục thành công và trở thành những huyền thoại thực sự của điện ảnh thế giới,
đó là Charlie Chaplin, Laurel và Hardy hay Anh em nhà Marx.
0 Nhận xét:
Đăng nhận xét